Đá hộc là loại vật liệu quen thuộc trong xây dựng, được sử dụng để xây móng, xây tường, xây bờ kè,… Vậy đá hộc là gì? Có đặc điểm gì nổi bật? Kích thước đá hộc là bao nhiêu?Lợi ích khi làm nhà bằng đá hộc là gì? Tất cả hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây:
Đá hộc là gì?
Đá hộc là loại đá tự nhiên được khai thác từ các mỏ đá lớn và được chẻ nhỏ theo các cách khác nhau.
Đá hộc thường có kích thước đường kính từ 10-60 cm, hình dáng và kích thước của loại đá bày không đồng đều, có màu xanh sẫm. Loại đá này thường được dùng để tạo ra các loại đá khác như: đá1×2, đá 2×4, đá 4×6,…Nhờ vậy đá hộc thường mang lại hiệu hiệu quả kinh tế cao, độ thẩm mỹ, chắc chắn, sở hữu sức chịu lực tốt
Ưu nhược điểm của đá hộc
Ưu điểm
– Đá hộc là đá tự nhiên nên có cường độ chịu nén và sức chịu lực cao
– Tuổi thọ có thể lên đến hàng nghìn năm bất chấp tác động của thời tiết bên ngoài
– Khả năng chống thấm nước tốt. Ngoài ra còn chống va mòn nên phù hợp với các công trình giao thông thủy lợi.
– Có hình dáng kích thước độc đáo, có tính thẩm mỹ cao.
– Khai thác chế biến không quá phức tạp và dễ dàng thi công
Nhược điểm
Kích thước và hình dáng của các viên đá hộc là khác nhau. Nên trong quá trình thi công sẽ tạo ra các khoảng trống trong móng, tường nhà. Như vậy sẽ phải tốn nhiều vữa để lấp đầy các khoảng trống đó.
Kích thước đá hộc thông dụng
Đá hộc trong các công trình xây dựng thường sử dụng có kích thước như sau:
- Đá hộc kích thước 20×30: Loại đá này có đường kính dao động trong khoảng từ 20cm đến 30cm, được sử dụng chủ yếu để làm móng nhà ở, nhà xưởng, xây tường nhà, xây chân hàng rào, kè đê sông, kè đê biển…
- Đá hộc kích thước 40×60: Loại đá này có đường kính trung bình dao động từ 40cm đến 60cm hoặc lớn hơn, chủ yếu dùng cho các công trình đòi hỏi khả năng chịu lực lớn, được sử dụng chủ yếu để làm đê chắn sóng biển.
- Các loại móng nhà dân dụng thông dụng hiện nay
*Lưu ý:
Đá hộc dùng với vữa xây tường hoặc xây khan phải có kích thước tối thiểu: dày 10cm, dài 25cm, chiều rộng tối thiểu bằng hai lần chiều dày. Mặt đá không được lồi lõm quá 3cm. Đá dùng để xây mặt ngoài phải có chiều dài ít nhất 30cm, diện tích mặt phô ra phải ít nhất bằng 300cm2, mặt đá lồi lõm không quá 3cm. Đá hộc để lát phải có chiều dài hoặc chiều rộng bằng chiều dày thiết kế của lớp đá lát.
Ứng dụng của đá hộc trong xây dựng
Đá hộc xây kè
Đá hộc xây kè được sử dụng là loại đá có kích thước lớn, nặng. Được sử dụng để thi công xây kè bờ sông, kè đê, bờ biển. Với kết cấu hình dạng khác nhau, bề mặt sù xì, kết hợp với vữa sẽ tạo ra kết cấu bền chặt vừa tạo tính thẩm mỹ cao
Đá hộc xây nhà
Thường chọn đá có hình dáng và kích thước đều nhau, lớp tường dày tối thiểu từ 25cm. Tường cầu kỳ hơn móng về tính thẩm mỹ. Do đó đòi hỏi các viên đá đều nhau, những viên đá to thường được đặt ở lớp dưới.
Trong cùng một hàng đá nên đặt so le một viên đá dọc tiếp theo là một viên đá ngang hoặc ít nhất thì cứ 1m chiều dài thì có một viên cầu giằng.
Các mạch dọc thường nên cách nhau tầm 10cm, các mạch ngang phải nằm ngang và song song với nhau. Các mạch vữa không được tạo hình tam giác hay hình chữ thập.
Đá hộc xây móng nhà
- Móng đá hộc là loại thi công xây dựng phổ biến dùng trong nhà cấp 4, nhà dân dụng thấp tầng – nhất là ở nơi có nhiều đá. Ngoài ra, đá hộc còn để xây tường rào, bậc tam cấp, lát lối đi, xây trụ hay chân mố cầu….
- Do kích thước của đá lớn và không đều nhau cho nên khi xây móng nhà bằng đá hộc thì chiều rộng tối thiểu của gối móng phải bằng 50cm, bảo đảm kích thước của mỗi viên đá không lớn hơn 1/3 chiều rộng của móng.
- Với móng có giật bậc, chiều cao mỗi bậc thường không nhỏ hơn 50 cm. Đá hộc dùng xây móng phải có cường độ 200 kg/cm2.
- Chất liên kết có thể dùng vữa tam hợp 1:1:5 hoặc 1:1:9 hay vữa ximăng: cát là 1 : 4.
- Móng đá hộc là loại phổ biến dùng trong nhà dân dụng thấp tầng nhất là những nơi có nhiều đá. Do kích thước của đá không đều nhau cho nên bề dày của cổ móng > 400mm. Đối với móng cột bề dày của cổ móng > 600mm, chiều rộng giật bậc bằng chiều cao bậc giật (b/h = ½). Chiều cao bậc giật thường lấy 350 – 600mm.
Lợi ích khi xây nhà bằng đá hộc
Hiện nay nhiều người lựa chọn xây dựng móng nhà bằng đá hộc thay vì các loại nguyên vật liệu khác. Đơn giản bởi vì loại đá này sở hữu khá nhiều ưu điểm vượt trội. Móng nhà được xây dựng từ đá hộc cũng mang lại nhiều tiện ích.
- Phù hợp với các công trình dân dụng, các công trình giao thông thủy lợi, những địa hình có nhiều đá.
- Có độ bền chắc cao, giúp móng nhà chịu được tải trọng công trình tốt.
- Móng nhà không bị sụt lún nhiều, bị thấm nước, bị mài mòn do môi trường.
- Cũng bởi vì có độ bền cao nên tuổi thọ móng nhà làm bằng đá hộc cũng dài lâu hơn.
- Đây là nguyên liệu phổ biến dễ tìm kiếm, chi phí cũng phù hợp.
- Quá trình thi công xây móng nhà bằng đá hộc cũng không quá khó hay tốn thời gian.
Quy trình xây móng nhà bằng đá hộc
Bước 1: Xác định cữ móng
Trước hết cần tiến hành xác định cữ móng rõ ràng. Mọi người hãy dựa vào mép của móng, dùng dây căng theo hướng dọc và ngang để định hình móng nhà. Sau đó thực hiện đóng cọc ngựa vào các góc để xác định khuôn hình móng nhà luôn.
Bước 2: Xây lớp đầu tiên
Sau khi xác định cữ móng xong xuôi thì tiến hành xây lớp đầu tiên. Lớp đầu tiên rất quan trọng nên mọi người hãy chú ý lựa chọn các viên đá kích thước đều đặn, có phần vuông vắn. Tiếp theo trộn vữa và đổ vữa để liên kết chắc chắn các viên đá hộc. Nếu có khe hở giữa các viên đá hộc thì chèn thêm viên đá nhỏ vào cho khít.
Bước 3: Xây lớp thứ hai
Sau khi hoàn thành lớp xây đầu tiên thì sẽ thực hiện xây lớp tiếp theo. Với bước này mọi người có thể áp dụng nhiều cách khác nhau:
- Cách thứ nhất là dùng xẻng rót vữa vào khối xây rồi xếp đá vào đó, dùng búa gõ vào viên đá để chúng lún mạnh vào bên trong.
- Cách thứ hai đó là xếp đá hộc lên trước sau đó rót vữa lên trên, lưu ý có chèn đá nhỏ vào các khe hở.
- Cách thứ ba là rõ vữa vào khuôn rồi xếp đá hộc lên đó, rải tiếp lớp vữa dày > 40mm và chèn đá hộc vào các khe hở. Dùng đầm rung để vữa hòa đều vào các khe đá.
Lưu ý khi xây dựng bằng đá hộc
Lưu ý khi xây móng
Để đảm bảo móng nhà xây bằng đá hộc chắc chắn, đạt chất lượng mọi người nên lưu ý vài điều như sau.
- Chiều rộng tối thiểu của gối móng = 50cm khi dùng đá hộc xây móng nhà.
- Kích thước của mỗi viên đá hộc phải nhỏ hơn ⅓ chiều rộng của móng nhà.
- Kích thước tối thiểu của cổ móng nhà xây bằng đá hộc là 40cm.
- Nếu xây dựng móng giật bậc thì mỗi bậc có kích thước từ 50cm trở lên, cường độ của đá hộc từ 200kg/cm2.
- Lớp xây đầu tiên của móng nhà ưu tiên lựa chọn những viên đá kích thước tương đương, vuông vắn.
- Nên thực hiện xây các hàng đá hộc có chiều dày từ 30cm và cao từ 25cm.
- Lựa chọn những viên đá hộc dày dặn, dài để xây móng nhà đảm bảo độ chắc chắn.
- Vì đá hộc kích thước không hoàn toàn như nhau sẽ tạo ra khoảng trống khi xây, hãy dùng đá dăm để chèn vào.
- Xây móng nhà vào mùa hè nên tưới nước bảo dưỡng. Luôn đảm bảo bề mặt các hàng đá hộc sạch sẽ khi xây móng nhà.
Đặc biệt lưu ý móng nhà làm bằng đá hộc không phù hợp với địa hình đất lún, đất yếu.
Lưu ý khi xây tường
- Với mỗi lớp xây cần được căng dây theo chiều ngang, chiều dọc để đảm bảo độ thẳng đứng, độ ngang của tường.
- Nhất thiết phải rải vữa trước khi đặt đá.
- Vữa rải dày từ 4-5cm, cách mép tường từ 3-4cm.
- Khi chèn đá vụn và mạch đứng không chèn theo kiểu kẹp bụng.
Trên đây là những thông tin liên quan đến quá trình làm móng nhà bằng đá hộc. Mong rằng thông tin chúng tôi mang đến sẽ hữu ích với bạn đọc.