Mái Nhật thiết kế có độ dốc nghiêng nhỏ vừa đủ để thoát nước tạo một khuôn mái cân xứng với toàn bộ căn nhà. Kiểu mái này có thể kết hợp với các thiết kế cổ điển đồng thời có thể kết hợp phong cách kiến trúc hiện đại.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về kết cấu mái nhật như thế nào để tạo ra sự chắc chắn, an toàn cũng như mang lại tính thẩm mỹ khi sử dụng. Cùng chúng tôi tìm hiểu về mái ngói Nhật Bản và cách thi công mái Nhật đúng chuẩn:
Nguồn gốc đặc trưng của mái Nhật
Giống như tên gọi nhà mái Nhật có nguồn gốc từ Nhật Bản với thiết kế độ dốc nhẹ, mở rộng ra nhiều hướng khác nhau và có thiết kế chồng lớp.
Hiện nay, mái Nhật được làm chủ yếu bằng khung thép thay thế mái nhật Gỗ giúp công trình đảm bảo độ an toàn và bền theo thời gian.
Chi tiết kết cấu mái Nhật
Kết cấu mái Nhật bao gồm khung vì kèo mái (khung mái chịu lực) và ngói lợp
Khung mái chịu lực
Phần khung mái chịu lực là tổng thể các chi tiết bao gồm: cầu phong, bán kèo, xà gồ, tường thu hồi, lớp giằng chịu lực. Các thành phần này đảm nhận việc chống chịu sức nặng của chính nó (tải trọng tĩnh) và tác động của ngoại lực (tải trọng động)
Khung kèo mái nhật được làm từ thép mạ hợp kim nhôm kẽm có khả năng giúp chống ăn mòn siêu việt, không cần sơn phủ bảo dưỡng. Trọng lượng sau khi hoàn thành khung mái thì nhẹ bằng 1/25 với bê tông mái.
Khung xương thi công mái ngói Nhật có 2 loại hiện nay rất hay dùng trên thị trường đó là loại thép có màu trắng và thép có màu xanh. Về giá trị kinh tế thép màu trắng có giá thành rẻ hơn màu xanh.
Ngói lợp
Ngói lợp mái Nhật có vai trò là thành phần kết cấu bao phủ, được lợp lên trên kết cấu chịu lực có thể được làm bằng các vật liệu như: ngói, tấm phipro xi măng, tôn kim loại. Ngói lợp có khả năng giúp ngôi nhà chống nóng, mưa, thấm và cách nhiệt.
Kích thước mái Nhật
Phần mái nhà có đẹp hay không phụ thuộc vào kích thước mái, do vậy cách tính chiều cao mái vô cùng quan trọng. Cách tính chiều cao mái nhật áp dụng công thức sau:
H = R/2 x tag/100
Trong đó:
R là độ rộng mặt tiền
Tag là độ dốc mái
Tham khảo: Cách tính độ dốc mái
Ví dụ: Nếu ngôi nhà có mặt tiền 6m kết hợp với độ dốc là 40 thì chiều cao sẽ là: H = (6/2) x 40/100 = 1,2m
Mái Nhật đua ra bao nhiêu là đẹp
Nhà mái Nhật có phần đua ra giúp che mưa, che nắng cho căn nhà và còn tạo khoảng không phía dưới giúp gia chủ có thể thiết kế được phần ban công hoặc sảnh một cách tùy ý.
Tuy nhiên nếu phần đua ra quá rộng sẽ làm mất đi tính thẩm mỹ. Mà nếu để ngắn quá thì cũng không đẹp, vì vậy cần phải tính toán sao cho phù hợp. Thông thường mái Nhật có độ dài đua ra từ 1,2 m đến 1,5 m là hợp lý nhất.
Cách thi công mái Nhật khung kèo thép mạ nhôm kẽm
Thi công mái Nhật cần lưu ý đến độ dốc mái, chiều cao mái và màu ngói sử dụng để mang đến một công trình kiến trúc hòa hợp.
Phần khung thép hợp kim nhôm kẽm được sử dụng nhiều trong các công trình bởi ưu điểm vượt trội: Lắp dựng nhanh, không rỉ sét, linh hoạt trong lắp đặt và kết cấu an toàn trong thi công cũng như khi hoàn thành và đặc biệt giá thành hợp lý.
Kỹ thuật làm mái nhật
Khung kèo mái
Hệ khung kèo thép chống gỉ có phạm vi ứng dụng đa dạng, đáp ứng mọi yêu cầu kiến trúc của công trình. Thời gian lắp dựng nhanh và chính xác, toàn bộ kết cấu mái được liên kết bằng bu lông và vít cường độ cao giúp hệ khung kèo mái ngói được liên kết chắc chắn, bền vững đảm bảo yếu tố thẩm mỹ.
Hệ vì kèo này cũng được hình thành từ 2 lớp cơ bản :
+ Lớp thứ nhất là một hệ gồm những khung kèo riêng lẻ ( vỉ kèo, khung kèo thép siêu nhẹ, kèo siêu nhẹ) liên kết lại với nhau ( kết cấu kèo thép). Những khung kèo này đươc tạo thành từ các thanh TC75.75 liên kết lại với nhau. Những liên kết trên đều sử dụng vít tự khoan chống ăn mòn. Khoảng cách giữa các khung với nhau >=1100mm.
+ Lớp thứ hai sử dụng thanh TS35 hoặc TS40 làm lito ( mè) lợp ngói có khoảng cách theo quy cách của ngói.
Lớp ngói Nhật
Thi công mái Nhật thì không thể thiếu là ngói Nhật là vật liệu được lựa chọn nhiều nhất bởi ngói có nhiều ưu điểm như đẹp, cách âm, cách nhiệt tốt, độ bền cao. Tuy nhiên thi công mái ngói đòi hỏi người thợ lợp ngói có kinh nghiệm mới tạo nên mái nhà đẹp và vững chắc.
Thi công lợp ngói nhật
Đối với kiểu nhà mái Nhật, kỹ thuật lợp ngói bao gồm các bước sau:
Kỹ thuật lợp mái ngói
- Lợp một hàng dưới trước, lợp từ dưới lên trên, từ trái qua phải
- Viên ngói đầu tiên cách diềm hông 3cm
- Li tô cuối nên là li tô kép (chiều cao gấp đôi các li tô thường)
- Nên căng dây để lấy đường chuẩn của riềm hông và hàng ngói đầu tiên và căng dây lại sau khi lợp được 1 – 1,5m ngang để canh thẳng hàng.
- Mỗi viên ngói nên được liên kết chắc chắn với thanh li tô bằng vít chuyên dụng cho thép hoặc gỗ tùy vào vật liệu làm li tô.
- Trước khi bắn vít cần dùng khoan mồi để xuyên thủng trước, có thể dùng mũi khoan 6mm hoặc dùng ngay chính vít chuyên dụng cũng được.
- Nên lợp thẳng hàng (lợp trùng sóng) để có được mái ngói thẳng, đẹp.
Kỹ thuật lắp đặt ngói nóc, rìa
- Ngói nóc phải được lợp từ ngoài vào trong, liên kết bằng vữa dẻo khô, rải đều vữa vào vị trí chân viên ngói.
- Khi vữa đã đủ độ cứng, lấy bay thép cắt bỏ phần vữa thừa và làm nhẵn.
- Khoảng cách mương nóc phải đúng tiêu chuẩn. Nếu quá lớn thì viên ngói nóc sẽ phủ không hết mương nóc và gây ra dột nóc.
- Khi lắp vít chuyên dụng vữa phải áp sát vào tấm diềm trang trí bên hông. Bắn vít hoặc dùng vữa dẻo khô rải đều ở phần tiếp xúc.
Trên đây là những chia sẻ về kết cấu và cách thi công mái Nhật đúng. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để thi công mái nhà đẹp, đảm bảo an toàn.