Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng bê tông đó là độ sụt bê tông. Khái niệm này khá mới mẻ với nhiều chủ đầu tư. Để đảm bảo chất lượng công trình thì việc tính toán và quá trình kiểm tra độ sụt bê tông luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao. Vậy độ sụt bê tông là gì? Phương thức tính chỉ số này thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Maxhome nhé!
I. Tìm hiểu khái quát về bê tông
Trước khi đi sâu vào tìm hiểu về độ sụt bê tông thì trước tiên chúng ta cũng cần xác định và hiểu rõ về khái niệm bê tông là gì?
1. Bê tông là gì?
Thực tế thì bê tông chính là loại đá nhân tạo có cấu trúc phức tạp được tạo nên từ 3 thành phần cơ bản là:
- Cốt liệu: Đây là những hạt cát có hình dáng, kích thước, đặc trưng bề mặt, cường độ rất khác nhau.
- Đá xi măng: Được tạo thành từ xi măng tương tác với nước và được để một thời gian cho rắn chắc lại.
- Hệ thống mao quản, lỗ rỗng: có thể chứa nước, không khí và hơi nước.
2. Vai trò của các thành phần cấu thành bê tông
- Cốt liệu lớn: bộ khung chịu lực của bê tông sau khi hồ bê tông gắn kết lại.
- Cốt liệu nhỏ: làm tăng độ đặc và giảm khả năng chống co cho bê tông.
- Chất kết dính và nước: thành phần hoạt tính của bê tông, chúng tác dụng liên kết với nhau tạo thành hồ chất kết dính bao bọc xung quanh hạt cốt liệu.
- Hồ chất kết dính: giúp lấp đầy các lỗ rỗng giữa các hạt cốt liệu, đồng thời làm vai trò là chất bôi trơn tạo độ dẻo cho hỗn hợp bê tông tươi. Trong quá trình ngưng kết rắn chắc, hồ chất kết dính làm nhiệm vụ liên kết các hạt cốt liệu với nhau tạo thành 1 khối.
- Phụ gia: được dùng để cải thiện một số tính chất của hỗn hợp bê tông tươi và bê tông.
3. Ưu điểm của bê tông
Bê tông là một trong những loại vật liệu rất quan trọng được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực xây dựng.
- Bê tông có cường độ chịu nén cao, bền trong môi trường.
- Cốt liệu có thể sử dụng nguyên liệu địa phương dễ cơ giới hóa, tự động hóa quá trình sản xuất và thi công.
- Đồng thời chúng có thể tạo được nhiều loại bê tông có tính chất khác nhau.
II. Độ sụt bê tông là gì?
Hiểu một cách đơn giản đây là một thuật ngữ để mô tả mức độ sụt của bê tông, từ sức nặng của công trình hay từ tác động của môi trường bên ngoài. Chỉ số này sẽ biểu thị mức độ dễ chảy hay tính linh động của cả hỗn hợp bê tông.
Độ sụt được xác định theo TCVN 3105-93 hoặc ASTM C143-90A. Ký hiệu là SN.
Căn cứ vào độ sụt trên thị trường hiện nay sẽ chia bê tông làm ba loại:
- Loại cứng SN < 1.3 cm.
- Loại dẻo SN < 8 cm.
- Siêu dẻo có SN = 10 – 22 cm.
III. Mục đích của việc kiểm tra độ sụt BT
Độ sụt bê tông là thước đo độ cứng, đặc chắc của mẫu bê tông trước khi đưa vào công trình thi công. Mục đích của kiểm nghiệm độ sụt là để kiểm tra bê tông đó được cung cấp có độ sụt đúng theo yêu cầu trong hợp đồng giữa bên bán và bên mua hoặc bên thứ ba hay không và xem có đúng với thông số kỹ thuật quy định về bê tông được sử dụng cho hạng mục ở công trường.
Độ sụt còn thể hiện mặt kỹ thuật, sự đồng đều của bê tông và tỉ lệ thành phần vật liệu có trong hỗn hợp bê tông đó. Kiểm tra độ sụt bê tông là bước kiểm tra nhanh về chất lượng của bê tông được cung cấp và việc kiểm tra này phải được tiến hành khi xe bê tông vừa đến công trường.
- Độ sụt đạt tiêu chuẩn thì mới được đổ bê tông vào công trường.
- Độ sụt không đảm bảo thì chủ đầu tư có quyền yêu cầu xe bê tông đó không được đưa vào sử dụng và phải đổi xe khác có độ sụt chính xác theo yêu cầu để đảm bảo công trình đạt chất lượng như mong muốn.
IV. Các bước kiểm tra
1. Dụng cụ kiểm tra gồm có:
- Mâm phẳng đủ rộng.
- Dụng cụ bay xoa gạt phẳng.
- Que thép tròn để đầm.
- Nón sụt (nón Abraham).
- Thước để đo độ sụt với độ chính xác 1 mm.
- Bê tông được lấy từ xe chở (hoặc Ximăng, nước, cát & cốt liệu để trộn thủ công).
2. Các bước kiểm tra
- Bước 1: Cố định nón sụt
Đặt chảo trộn trên sàn phẳng và làm ẩm bằng một lượng nước nhỏ, đảm bảo mặt sàn đủ độ ẩm nhưng không được cho nước đọng lại, giữ vững hình nón sụt tại chỗ bằng cách sử dụng hai chân giữ.
- Bước 2: Từ từ đổ bê tông vào nón đã cố định và đầm kỹ
Cho một lượng hỗn hợp bê tông vào 1/3 nón sụt và chèn để hỗn hợp không bị rỗng. Sau đó, cho tiếp vào 1/3 bê tông tiếp theo cứ mỗi lần cho bê tông vào cần đầm chặt mỗi lớp bằng cách sử dụng thanh thép trong một chuyển động tròn nhưng không được khuấy (nếu hỗn hợp bê tông không đủ để đầm nén, dừng lại, thêm tiếp hỗn hợp và đầm chặt),… Cứ tiếp tục như vậy cho đến khi đầm chặt bê tông đầy nón sụt.
- Bước 3: Tháo bỏ nón sụt
Gạt bỏ hỗn hợp bê tông thừa tính từ miệng nón sụt bằng cách sử dụng que đầm thép trong một chuyển động quanh đến khi bề mặt nón bằng phẳng. Sau đó từ từ tháo bỏ nón sụt bằng cách nâng nó lên theo chiều dọc, nâng nhanh trong thời gian 5 đến 7 giây và đảm bảo được hỗn hợp bê tông trong nón không di chuyển.
- Bước 4: Tiến hành kiểm tra độ sụt
Đợi cho hỗn hợp bê tông sụt ổn định, tiến hành đo sự sụt giảm theo chiều cao bằng cách chuyển hình nón ngược sụt xuống đặt mẫu đặt que thép lên trên nón sụt và đo khoảng cách từ thanh đến tâm di dời ban đầu.
3. Bảng tiêu chuẩn độ sụt
Dưới đây là bảng tiêu chuẩn độ sụt bê tông theo từng loại Mác bê tông (cường độ bê tông).
V. Ứng dụng của việc đo độ sụt
Độ sụt bê tông tương tự như mác thể hiện chất lượng của bê tông. Vì vậy, tùy thuộc vào từng loại công trình mà người ta sẽ thiết kế theo từng độ sụt riêng biệt.
1. Ảnh hưởng đến chi phí xây dựng
Mỗi hỗn hợp bê tông có mác và độ sụt khác nhau vì tỉ lệ nguyên liệu cát, xi măng, đá… đầu vào khác nhau. Bởi vậy, các chỉ số này phải được xác định trước cho các bản thiết kế.
Độ sụt không phù hợp ngoài việc ảnh hưởng tới chất lượng công trình còn ảnh hưởng tới chi phí khi sử dụng bê tông có độ sụt quá cao (sử dụng nhiều cốt liệu – cốt liệu đặc).
2. Ảnh hưởng đến quá trình thi công
Tính linh động của hỗn hợp bê tông là yếu tố quyết định nhiều tới giai đoạn thi công như bơm, đổ bê tông…
Ví dụ với bê tông có độ sụt quá cao, hay quá nhuyễn, hỗn hợp có thể dễ dàng lấp đầy khuôn nhưng lại ảnh hưởng tới cường độ bê tông và khó tạo hình như thiết kế.
Mặt khác, nếu bê tông quá cứng (độ sụt thấp) thì việc bơm bê tông khó khăn hơn. Thêm vào đó, hỗn hợp cũng khó lấp kín khuôn và sau khi đông cứng dễ bị thấm nước khi chịu ngoại cảnh tác động.
Trên đây là những thông tin quan trọng về độ sụt bê tông và các bước kiểm tra độ sụt chính xác nhất. Mong rằng bài viết của Maxhome sẽ là những thông tin tham khảo hữu ích đến bạn. Cảm ơn bạn đã theo dõi!