Móng đơn là loại móng được áp dụng phổ biến trong xây dựng nhà hiện nay. Để hiểu rõ hơn về loại móng này, đừng bỏ qua bất kỳ nội dung nào dưới đây biết rõ cấu tạo, ưu nhược điểm và chi phí xây dựng móng này:
Móng đơn là gì
Móng đơn hay còn được gọi là móng cốc (móng trụ) là loại móng có một cột hoặc một chùm cột đứng sát cạnh nhau, có hình dạng một khối bê tông cốt thép hình chữ nhật, hình vuông hoặc hình tròn được chôn dưới nền đất để truyền tải trọng của công trình xuống đất.
Móng đơn có khả năng chịu lực khá tốt, thường được dùng để gia cố hoặc sử dụng cho những phần công trình chỉ cần chịu tải nhẹ. Thông thường, loại móng này được dùng nhiều cho trong những công trình nhà dân dụng nền đất có độ cứng tốt.
Cấu tạo của móng đơn
Ngày nay đa phần móng đơn được làm bằng bê tông cốt thép, sẽ bao gồm các phần sau đây:
– Lớp bê tông lót móng: thường dày 100mm, được cấu thành từ bê tông đá 4×6 hoặc bê tông gạch vỡ, xi măng. Lớp bê tông lót móng có nhiệm vụ làm sạch làm phẳng hố móng, chống mất nước xi măng và làm ván khuôn để đổ bê tông móng. Tìm hiểu thêm về: bê tông lót móng.
– Phần móng (Bản móng): thường có đáy hình chữ nhật, bị vát có độ dốc vừa phải và được tính toán kích thước phù hợp với từng công trình.
– Cổ móng: có tác dụng truyền lực, tải trọng từ cột xuống đáy móng và có kích thước lớn hơn phần cổ phía trên mỗi chiều khoảng 25mm
– Giằng móng: có tác dụng đỡ tường và làm giảm sự lún lệch giữa các móng trong công trình. Tìm hiểu thêm: đặc điểm của giằng móng
Ưu nhược điểm của móng đơn
Bất kỳ loại móng nào cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng, hiểu được điều đó chúng ta sẽ có những lựa chọn phù hợp cho công trình:
Ưu điểm
– Cấu tạo đơn giản, dễ thi công
– Thích hợp cho các công trình có tải trọng nhỏ
– Phù hợp với các công trình có địa hình đơn giản
– Không gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình
Nhược điểm
– Hạn chế về tải trọng
– Dễ bị lún nếu nền đất yếu
– Không sử dụng được cho các khu vực có địa hình đặc biệt
Các loại móng đơn hiện nay
Móng đơn được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như kiểu dáng công trình, tải trọng và chiều sâu chôn móng. Tuy nhiên việc lựa chọn loại móng phù hợp sẽ dựa trên tải trọng, điều kiện địa chất tại công trình.
Phân loại móng đơn theo kiểu công trình
Móng đơn cho công trình có nhà càng to thì càng có kích thước lớn để tăng khả năng chịu tải.
- Nhà 1 tầng: Có kích thước nhỏ khoảng 0,5 – 1m, tải trọng nhẹ, thường được sử dụng cho các công trình nhà cấp 4, nhà vườn ở nông thôn,…
- Nhà 2 tầng: Các công trình nhà 2 tầng thường đòi hỏi móng đơn có khả năng chịu tải trọng cao hơn so với nhà 1 tầng để mang lại sự ổn định.
- Nhà 3 tầng: Những công trình lớn hơn như nhà 3 tầng hoặc nhà ở nhiều người thường cần móng đơn mạnh mẽ hơn (kích thước tầm 1,5 – 2m) để chịu tải trọng lớn, đảm bảo tính ổn định và an toàn.
Theo hình dáng
- Móng đơn vuông: Thường được sử dụng khi cần tạo ra một mặt bằng tiếp xúc rộng và ổn định với đất, như xây nhà kho,…
- Móng đơn chữ nhật: Loại móng đơn này có hình dáng chữ nhật và thường được sử dụng cho các công trình dài hơn hoặc khi cần tạo ra một diện tích tiếp xúc lớn hơn với đất theo một chiều.
- Móng đơn tròn: Móng tròn thường được dùng cho các công trình cần chịu lực tốt và dễ thi công như cột đèn đường,…
Theo tải trọng
Có thể phân loại móng đơn dựa trên khả năng chịu tải của móng:
- Móng đơn chịu tải trọng nhẹ: Là loại móng có khả năng chịu tải trọng nhỏ, thường được sử dụng cho các công trình nhà ở dân dụng hoặc nhà kho, nhà xưởng,… với chiều cao thấp.
- Móng đơn chịu tải trọng trung bình: Là móng của các công trình vừa và lớn về tải trọng như nhà 2 tầng hoặc nhà công nghiệp nhẹ, để hỗ trợ thêm tải trọng của các công trình phụ như thiết bị, máy móc, sân thượng,…
- Móng đơn chịu tải trọng nặng: Móng đơn chịu tải trọng nặng có khả năng chịu tải trọng lớn, thường được sử dụng cho các công trình nhà 3 tầng, nhà cao tầng,… hoặc cầu vượt với chiều cao lớn.
Chiều sâu chôn móng
- Móng đơn nông: Móng được chôn dưới mặt đất với độ sâu không lớn, có thể thấy ở các công trình nhẹ về tải trọng như lề đường nhỏ,…
- Móng đơn sâu: Móng chôn sâu hơn vào đất, hỗ trợ các công trình lớn hoặc có tải trọng lớn, ví dụ như xây móng một cây cầu dài,…
Chi phí thi công móng đơn
Chi phí làm móng đơn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, từ nguyên vật liệu thi công, chất lượng nền đất và diện tích thi công.
Hiện nay, theo như các nguồn tham khảo, chi phí để làm móng đơn cho một ngôi nhà cấp 4 khoảng 1.200.000 đồng/m2. Nền đất càng yếu thì chi phí thi công sẽ càng cao hơn do cần đảm bảo độ chắc chắn của công trình.
*Lưu ý: Với nền đất yếu cần tính toán thật kỹ về kết cấu, nếu vẫn muốn sử dụng móng đơn cần gia cố thêm cọc tre để đảm bảo độ chắc chắn cho công trình
Quy trình thi công xây dựng móng đơn
Trong xây dựng thi công móng đơn cần chính xác và cẩn thận để đảm bảo tính ổn định và an toàn cho công trình:
Dưới đây là các bước cụ thể cần để thi công móng đơn:
Bước 1: Đào móng và đóng cọc
- Vị trí đóng cọc và cả kích thước lẫn khoảng cách giữa các cọc đều phải có bản thiết kế trước để đảm bảo tính chính xác.
- Với công trình xây dựng trên nền đất yếu thì có thể gia cố nền bằng cách đóng cọc tre hoặc cọc cừ tràm. Số lượng cọc cừ tràm là >1m2 (tùy vào nền đất), đường kính gốc là 6 – 9cm, chiều dài là 3,5 – 4,5m.
- Dùng máy cuốc để đóng cọc sâu vào nền đất.
- Đào hố móng: cần đo lường độ nông sâu và diện tích đủ rộng để khi đổ bê tông vào vẫn đảm bảo được kích thước tiêu chuẩn.
- Giữ hố móng khô ráo trong suốt quá trình thi công, cần bơm hút nước ra nếu có.
- Sau khi hố đã đào xong nên sử dụng các loại đất cứng hoặc đá 1×2 và 3×4 để gia cố thêm, kết hợp với máy đầm để tăng độ cứng chắc cho nền đất.
Bước 2: Đổ bê tông
Làm phẳng mặt hố móng rồi để 1 lớp bê tông để lót móng, nó tiếp xúc với đất nhằm hạn chế nước cho bê tông lớp trên, đồng thời tạo bề mặt bằng phẳng cho đà giằng và đáy móng.
Bước 3: Chuẩn bị cốt thép
Sử dụng loại thép chính hãng, đảm bảo chất lượng và độ cứng tốt. Sau đó, cắt và uốn chúng bằng phương pháp cơ học (phù hợp với bản vẽ kỹ thuật). Dùng túi nilon bảo vệ các đầu chờ.
Bước 4: Đổ bê tông cho móng
- Trộn các loại đá với cát, xi măng và nước theo đúng tỉ lệ tiêu chuẩn và nguyên tắc đổ ở vị trí xa trước, gần sau nhằm tạo liên kết vững chãi cho công trình.
- Chú ý đảm bảo khô ráo cho bề mặt trước khi đổ bê tông, chọn đổ vào ngày nắng ráo là tốt nhất.
Lưu ý khi xây dựng móng đơn
Để đảm bảo phần móng được thi công chắc chắn, khi thi công bạn cần lưu ý những điều sau:
- Trước khi thi công, gia chủ cần khảo sát địa chất thật kỹ để xác định rõ loại đất nền, độ sâu của phần mạch nước ngầm. Có như vậy thì mới xác định loại móng đơn phù hợp được.
- Vật liệu của móng đơn cũng rất quan trọng, cần lựa chọn loại vật liệu có khả năng chịu lực tốt, trộn vật liệu đúng tỉ lệ.
- Trong quá trình thi công cần đảm bảo đúng kỹ thuật, tránh xảy ra sai sót làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của móng.
- Sau khi đổ bê tông xong cũng cần bảo dưỡng móng để lớp bê tông được ninh kết hoàn toàn theo đúng quy trình.
Hy vọng với những thông tin chúng tôi chia sẻ về móng đơn ở trên sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức trong quá trình xây dựng nhà cửa. Nếu bạn đang tìm hiểu thông tin để xây nhà hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chuyên sâu hơn.