Dù chỉ chiếm một khoảng không gian nhỏ trong nhà, nhưng nhà vệ sinh cũng cần được chú ý thiết kế sao cho tiện dụng và hợp lý. Bên cạnh việc lựa chọn phong cách thì thiết kế nhà vệ sinh thông thoáng, đảm bảo công năng và phong thủy hài hòa cũng là điều cần thiết.
Nhà vệ sinh là căn phòng được sử dụng rất nhiều nhưng vì luôn gắn liền với cái tên không gian phụ nên nhiều gia chủ luôn tiết kiệm diện tích khi thiết kế nhà vệ sinh (đây là điều thường thấy ở các ngôi nhà ống, nhà phố chật hẹp).
Chính điều này đôi khi lại dẫn đến những bất tiện cả về công năng, thẩm mỹ và ảnh hưởng đến phong thủy trong gia đình.
I. Lỗi sử dụng diện tích không phù hợp
Dù diện tích lớn hay nhỏ thì nhà vệ sinh cần có đầy đủ tiện ích và công năng trong thiết kế. Nếu kết hợp được yếu tố thẩm mỹ càng giúp không gian nhà trở nên hoàn hảo hơn.
Về diện tích, gia chủ cần phải dựa vào diện tích ngôi nhà để xác định diện tích hợp lý cho nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh tuy diện tích khiêm tốn nhưng luôn sạch sẽ, thơm tho và gọn gàng thì sẽ đảm bảo cho bạn có cảm giác dễ chịu hơn một nơi rộng nhưng bừa bộn.
II. Lỗi sử dụng vật liệu không đảm bảo an toàn
Về phần thiết kế nhà vệ sinh, bạn nên chọn gạch lát sàn có khả năng chống trơn để tránh xảy ra tai nạn.
Nếu gia đình có điều kiện thì có thể chọn loại sàn gỗ chịu nước, vừa có độ an toàn cao khi nhà có trẻ nhỏ, người già vừa tăng thêm phần sang trọng và đẹp mắt cho không gian nhỏ trong nhà.
Đối với các vật liệu được sử dụng trong nhà vệ sinh từ bồn rửa, toilet, vòi sen đến các tủ, trần tường nên sử dụng các vật liệu chống thấm hoặc chịu nước tốt vì đây là nơi có độ ẩm cao.
Nếu bạn bỏ qua bước chọn vật liệu phù hợp sẽ khiến các vật dụng nơi đây nhanh hư hỏng, phải thay mới thường xuyên.
III. Lỗi bố trí ánh sáng
Điều tiếp theo cần lưu ý tiếp để thiết kế nhà vệ sinh đẹp chính là nguồn sáng.
Nhiều gia chủ cho rằng nhà vệ sinh nhỏ nên chỉ cần một đèn gắn trên tường hoặc trần là đủ. Nhưng trên thực tế, để giúp nhà vệ sinh mang lại cảm giác thoáng, tránh cảm giác bí bách thì kiến trúc sư thường sẽ bố trí tối thiểu hai nguồn sáng khác nhau cho các khu vực chức năng riêng.
Bố trí đèn trần với cường độ sáng vừa phải giúp bạn soi sáng ở từng góc tường, còn nhóm đèn khu vực sẽ giúp bạn sinh hoạt tiện lợi hơn, ví dụ như đèn ở gương giúp bạn rửa mặt hay đánh răng thuận tiện hơn.
IV. Nhà vệ sinh luôn phải đảm bảo thoáng khí
Trong phong thủy thì các luồng sinh khí luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo phân tích của các chuyên gia phong thủy, nhà vệ sinh là nơi thường xuyên ẩm ướt, mang nhiều âm khí, do đó, nơi đặt nhà vệ sinh nên đảm bảo thông thoáng, tránh bí bách và tốt nhất nên có cửa sổ để đón ánh nắng bên ngoài vào.
Ánh nắng theo phong thủy là dương khí sẽ giúp giúp cân bằng âm – dương, theo kiến trúc xây dựng thì thiết kế nhà vệ sinh thông thoáng sẽ giúp không gian khô ráo, giảm mùi khó chịu.
Một số lưu ý khác trong việc thoáng khí là suy xét có nên thiết kế nhà vệ sinh trong phòng ngủ hay không?
Theo các kiến trúc sư, nếu phòng ngủ rộng rãi và có cửa sổ thì nên làm nhà vệ sinh trong phòng để tiện sử dụng. Nhưng nếu phòng ngủ có diện tích nhỏ hẹp thì việc đặt nhà vệ sinh trong phòng ngủ sẽ khiến phòng có mùi khó chịu, tăng ẩm mốc và ảnh hưởng đến sức khỏe gia chủ.
Mặc dù chỉ là một không gian nhỏ trong nhà nhưng nhà vệ sinh cũng là một không gian không thể thiếu.