Để có được một ngôi nhà hoàn hảo, chỉn chu,… bạn cần hiểu rõ về cấu tạo các bộ phận của ngôi nhà để chuẩn bị cho mình một ngôi nhà tốt nhất. Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ về cấu tạo của mái nhà: vai trò, chức năng, đặc điểm của bộ phận cấu tạo mái :
Cấu tạo mái nhà ở dân dụng
Cấu tạo của mái nhà gồm 2 bộ phận chính: kết cấu đỡ tấm lợp và lớp lợp.
– Kết cấu đỡ tấm lợp là thành phần chịu lực đảm bảo chịu toàn bộ sức nặng của bản thân nó và tác động của ngoại lực. Thành phần cấu tạo bao gồm: tường thu hồi, dầm bê tông cốt thép, vì kèo, xà gồ, C….
– Lớp lợp là thành phần được ốp bao phủ kết cấu chịu lực và chống được mưa, nắng, chống thấm, cách nhiệt được làm từ các vật liệu như: Lito, cầu phong, ngói, tole, kính, nhựa,…
Chi tiết các loại vật liệu bao phủ
Mái ngói
Mái ngói là mái truyền thống của Việt Nam, được làm từ đất nung, có màu sắc đẹp, bền và cách nhiệt tốt.
Việc thi công loại mái này cũng tương đối dễ dàng vì khi lợp chỉ cần sử dụng hệ thống vì kèo gồm xà gồ gỗ, sắt hộp và li tô để cố định.
Khi thi công mái ngói nên chọn thép mạ sẽ không bị rỉ sét như sắt hộp, thời gian sử dụng sẽ được lâu hơn.
Để công trình được đảm bảo tốt nhất, sau khi lợp xong mái ngói nên hạn chế đi lại trên ngói để không làm xuất hiện những vết nứt dẫn đến thấm dột.
TÌm hiểu thêm: Độ dốc mái ngói phù hợp giúp thoát nước tốt nhất
Khi thi công mái ngói cần chú ý lựa chọn thợ có tay nghề bởi nếu thi công không tốt sẽ bị thấm dột, đặc biệt vào những hôm mưa lớn thì dột nhiều hơn gây ảnh hưởng đến các thành phần khác của ngôi nhà như trần thạch cao, các thiết bị,…
Mái bê tông dán ngói
Mái bê tông dán ngói được sử dụng nhiều cho các công trình hiện nay: nhà phố, biệt thự,… bởi chúng có ưu điểm dễ dàng vệ sinh, khả năng chống ồn hiệu quả, chống dột và chống nóng cao làm tăng tuổi thọ của chi tiết này.
Với mái bê tông dán ngói khi thi công các KTS thường sử dụng những phương pháp như đổ bê tông, đặt thép, ghép ván khuôn và dán ngói để cố định mái thay vì sử dụng hệ thống vì kèo.
Mái tôn
Mái tôn hiện nay thường được sử dụng trong các công trình nhà cấp 4, nhà ống, nhà kho, nhà xưởng… bởi chi phí rẻ, dễ thi công. Tuổi thọ của mái thường từ 20 – 35 năm.
Mái kính
Mái kính thường được sử dụng trong các công trình kiến trúc hiện đại , sang trọng thẩm mỹ cao như: nhà liền kề, nhà phố, quán cafe, văn phòng,…
Hệ thống mái kính thường được sử dụng là kính dán an toàn hoặc kính cường lực có khả năng chống chịu tốt của thời gian và thời tiết.
Hệ thống khung sử dụng là khung nhôm, khung inox, khung sắt,… và được gia cố cẩn thẩm bằng keo kết hợp cùng phụ kiện như spider chịu lực tốt để đảm bảo an toàn và độ bền cao cho mái.
Mái lợp bằng tấm nhựa trong suốt
Mái lợp bằng tấm nhựa trong suốt thường được thi công nhanh chóng và có giá thành rẻ hơn mái kính nên thường được sử dụng trong các công trình như nhà kính trồng cây, giếng trời, nhà dân dụng, vòm ga xe buýt, sân bóng,…
Loại mái này thường được làm sản xuất trên dây chuyền công nghệ và nguyên vật liệu chính từ hạt nhựa Bayer của Đức và các loại hạt nhựa khác như: aromatic poly sodium, thermoplastic cùng các phụ gia – hóa chất khác, giúp sản phẩm luôn đạt tiêu chuẩn về chất lượng và tuổi thọ cao.
Polycarbonate có những đặc điểm tương tự như kính nhưng lại có độ bền vượt trội (lớn hơn 200 lần so với kính) và có trọng lượng nhẹ bằng một nửa trọng lượng của kính.
Về khả năng xuyên sáng, chống nhiệt, cách điện tốt và có thể tự phân hủy (thân thiện với môi trường) do vậy, đây là loại mái này hứa hẹn trở thành sản phẩm được sử dụng phổ biến trong tương lai.
Tấm lợp sinh thái
Tấm lợp sinh thái được làm từ các hộp nhựa và hỗn hợp nhôm nhựa dưới áp suất, nhiệt độ cao.
Ưu điểm của loại mái này là thân thiện với môi trường; cách âm, cách nhiệt tốt, chống cháy nổ, chống oxi hóa bởi axit, ngăn ngừa tia UV ,… và có độ bền nên đến 40 năm.
Chúng được sử dụng phổ biến tại các resort ven biển hay những nhà máy sản xuất nước đá, mạ hóa chất, nấu gang thép.
Chi tiết kết cấu chịu lực của mái nhà
Tường thu hồi
Tường thu hồi có vai trò đỡ tấm lợp của mái nhà. Tường thu hồi có kết cấu đơn giản, lợi dụng tường ngang chịu lực để xây thu hồi làm kết cấu chịu lực cho mái.
Tường thu hồi 2 đầu biên của mái nhà được xây gạch 220, ở giữa xây gạch 105.
Để tăng cường khả năng chịu lực cho tường thu hồi khi xây cần phải bổ trụ. Tứ 2m lại bổ trụ tường thu hồi 1 lần, tại vị trí đó sẽ gác xà gồ. Còn đối với các nhà có bước gian 4 – 5m thì sẽ bổ trụ 2 lần để gác xà gồ.
Lưu ý: Khi làm tường thu hồi nên để thép chờ để ghép xà gồ.
Khoảng cách giữa 2 tường thu hồi không vượt quá 4m. Nếu vượt quá 4m phải dùng kết cấu vì kèo để tăng khả năng chịu lực, khả năng đỡ tấm lợp cho ngôi nhà.
Vì kèo
Vì kèo có hình dạng tam giác dùng để đỡ 2 mái dốc về phía 2 bên.
Vì kèo được làm bằng chất liệu gỗ, thép hoặc bê tông cốt thép. Đối với các mẫu nhà truyền thống nhà cấp 4, biệt thự nhà vườn thường sử dụng vì kèo gỗ.
Vì kèo thép thường được sử dụng trong các công trình xây dựng hiện đại.
Vì kèo bê tông cốt thép sử dụng trong các công trình lớn như nhà thờ, đình, chùa được sử dụng cho các vị trí dầm, xà gồ lớn.
GIằng vì kèo
Giằng vì kèo có tác dụng liên kết các vì kèo và khung thông qua xà gồ mái, đảm bảo các lực tác động lên mái theo phương dọc nhà và các giằng đứng cột.
Giằng vì kèo có tác dụng:
Bảo đảm sự bất biến hình và độ cứng không gian của kết cấu chịu lực của nhà ở
+ Chịu các tải trọng tác dụng theo phương dọc nhà, vuông góc với mặt phẳng khung như gió lên tường thu hồi, lực hãm của cầu trục
+ Bảo đảm ổn định cho các cấu kiện chịu nén của kết cấu: thanh dàn, cột,
+ Làm khung đỡ cho lợp mái an toàn, thuận tiện
Xà gồ
Xà gồ là một cấu trúc ngang trong một mái nhà, xà gồ có chức năng chống đỡ tải trọng của phần mái và vật liệu lợp và được hỗ trợ bởi các vỉ kèo gốc hoặc các bức tường xây dựng, dầm thép. Xà gồ có thể làm bằng gỗ, sắt hộp..
Các vị trí của xà gồ:
+ Xà gồ nóc: Được đặt thẳng đứng ở đỉnh kèo
+ Xà gồ giữa: Được đặt nghiêng theo mặt kèo
+ Xà gồ biên: Được đặt ở chân kèo, đặt thẳng đứng.
Cầu phong
Cầu phong là các thanh gỗ có tiết diện hình chữ nhật hoặc hình vuông, đặt vuông góc với xà gồ. Kích thước tiết diện tối thiểu của cầu phong tối thiểu là 4×6 cm. Cầu phong được liên kết với xà gồ bằng đinh.
Li tô
Li tô là các thanh gỗ, được đóng vuông góc với cầu phong để mắc ngói khi lợp.
Li tô thường được làm bằng các thanh gỗ xẻ có kích thước 3 x 3cm hoặc nan tre, nan luồng được chẻ vót đều bản rộng 3cm, nếu bằng sắt thì bản rộng 2cm.
Phân loại mái nhà hiện nay
Phân loại mái nhà theo hình thức
Theo hình thức, mái nhà được chia thành 3 nhóm cụ thể như sau:
Mái dốc (mái thái, mái nhật)
Nhà mái dốc là một trong những mẫu thiết kế được sử dụng phổ biến trong các thiết kế kiến trúc nhà cấp 4, nhà 2 tầng, biệt thự,…
Phần mái có cấu trúc nhô ra khỏi thân nhà khoảng 60 – 150cm tạo với phương ngang một góc nhất định. Điều này giúp tăng khả năng thoát nước, thoát nhiệt, chống dột tốt hơn.
Mái bằng
Nhà mái bằng được sử dụng phổ biến trong các thiết kế nhà hiện đại: biệt thự, nhà ống, nhà phố,…
Kết cấu nhà mái bằng được làm từ bê tông do vậy, có khả năng chống chịu tốt trước thời tiết khắc nghiệt như mưa bão, gió lớn, khô, nóng,…
Mái lệch
Nhà mái lệch được xây dựng có kết cấu giống như mái bằng tuy nhiên khi xây dựng phần mái sẽ có độ dốc và độ chênh lệch khác nhau tạo nên hiệu ứng lệch.
Mặt cắt không cân xứng chính là điểm nhấn của nhà mái lệch.
Các mẫu nhà mái lệch thường được lựa chọn cho các công trình nhà cấp 4, biệt thự, nhà chữ L,…
Phân loại mái nhà theo kết cấu
Theo kết cấu, mái nhà được chia thành 3 loại như sau:
Mái bê tông cốt thép
Loại mái bê tông cốt thép được thi công toàn khối lắp ghép hoặc nửa lắp ghép. Khi thi công mái này cần lưu ý các yếu tố cách nhiệt, chống dột, khả năng chịu nắng mưa do cấu tạo lớp mái khác với các lớp sàn.
Cấu tạo của cốt thép sẽ tùy thuộc vào diện tích công trình từ đó các kỹ sư tính toán khối lượng thép cũng như vật liệu xây dựng mái phù hợp cho toàn bộ công trình.
Mái khung phẳng vật liệu tre – gỗ – thép
Loại mái này thường được sử dụng trong những thiết kế khu du lịch sinh thái hay nghỉ dưỡng đem đến cảm giác mát mẻ trong quá trình sử dụng. Vật liệu thường được sử dụng là tre, gỗ, thép.
Mái giàn thép không gian
Mái giàn thép không gian thường được sử dụng trong các công trình lớn như sân bay, sân vận động,nhà thi đấu,… Kết cấu của loại mái này thường được thiết kế nhằm chịu lực tốt theo nhiều chiều khác nhau.
Loại mái này có ưu điểm vượt trội về kết cấu khi được xây dựng bằng các thanh thép chống cháy, có khả năng chịu lực và tác động từ môi trường.
Các mẫu mái nhà đẹp được ưa chuộng, xu hướng mới nhất
Tổng hợp các mẫu mái nhà đang được ưa chuộng hiện nay:
Trên đây là những thông tin tổng quan về kết cấu và phân loại mái nhà. Hy vọng những thông tin trên giúp bạn có thêm kiến thức để có một mái nhà bền, đẹp. Nếu bạn còn bất kỳ vướng mắc gì mong muốn được giải đáp hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn sớm nhất.